Màn hình chuyên chơi game - Liệu bạn đã lựa chọn đúng?
Đối với các game thủ, thì việc lựa chọn màn hình không chỉ đơn thuần là chọn model nào kích thước to nhất với giá bán rẻ nhất như những người dùng phổ thông.
Độ phân giải
Hầu hết màn hình mà game thủ cân nhắc lựa chọn để chơi game là trong khoảng 24 inch đến 30 inch. Và các màn hình trong tầm kích thước này thường có nhiều lựa chọn độ phân giải khác nhau. 1920 x 1080 hay còn gọi là 1080p thường là độ phân giải được cho là chuẩn mực từ trước tới nay, tuy nhiên gần đây thì các mẫu màn hình độ phân giải cao hơn, 2560 x 1440 cũng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, và giá bán của chúng, tất nhiên, cũng cao hơn.
Màn hình có độ phân giải cao hơn sẽ giúp cho chất lượng hình ảnh tốt hơn, bởi độ phân giải càng cao đồng nghĩa với việc khoảng cách giữa các điểm ảnh gần như không còn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu bạn lựa chọn màn hình 1440p, thay vì 1080p, thì lúc này số điểm ảnh đã tăng lên thành 3.686.400, từ 2.073.600. Lúc này, gánh nặng xử lý sẽ đè lên card đồ họa của máy tính. Và hiện nay, ngay cả những phần cứng thuộc dạng mạnh hàng đầu cũng có thể chỉ xử lý được các game cao cấp như Battlefield 4 ở độ phân giải tối đa 1440p.
Điều này có nghĩa là bạn cần cân nhắc khả năng xử lý của toàn bộ phần cứng trên máy trước khi lựa chọn độ phân giải cho màn hình. Nếu bạn chỉ sở hữu card đồ họa tầm trung, việc chọn mua màn hình 1440p sẽ là sự lựa chọn không hợp lý, nhất là nếu bạn muốn chơi các game đồ họa đỉnh nhất hiện nay. Còn nếu bạn đủ tiền để trang bị những card đồ họa mạnh nhất, màn hình 1440p rõ ràng là sự lựa chọn tốt nhất dành cho bạn.
Bạn cũng sẽ bắt gặp các độ phân giải dành cho màn hình tỷ lệ 16:10 như 1920×1200 và 2560×1600. Tuy nhiên chúng không mang lại trải nghiệm game gì quá đặc biệt hơn so với các màn hình tỷ lệ 16:9. Tất nhiên, chúng cũng hoàn toàn phù hợp để lựa chọn làm màn hình chơi game. Và nếu bạn thích chơi các game có yêu cầu một giao diện lớn, như game MMO, thì màn hình 16:10 sẽ là sự lựa chọn phù hợp hơn bởi chúng cung cấp thêm không gian hiển thị.
Tìm hiểu các thông số
Để có thể xác định được đâu là mẫu màn hình tốt nhất, màn này tốt hơn màn kia...là một công việc không hề dễ dàng. Những thông số mà nhà sản xuất đưa ra, như độ tương phản động, hoàn toàn vô dụng và không thể dùng làm căn cứ đánh giá. Lý do là bởi hiện nay không có một chuẩn chung nào để đánh giá những ảnh hưởng của chúng.
Vậy thì người dùng phải tìm câu trả lời cho câu hỏi khó khăn này ở đâu. Đó chính là các bài review, đánh giá chi tiết từ những nguồn tin cậy. Các website chuyên về đánh giá màn hình thường sử dụng những phần cứng theo một chuẩn chung để đánh giá một cách khách quan chất lượng hình ảnh. Khi tìm hiểu các bài đánh giá màn hình, bạn cần chú ý tới các thông số như độ tương phản, độ chính xác màu và mức đen (black level) của màn hình. Những thông số này được đánh giá cao đồng nghĩa với việc màn hình sẽ giúp hiển thị hình ảnh chất lượng cực tốt, thậm chí tạo ra được chiều sâu của hình ảnh.
Các thông số như game màu, dù có thể làm ảnh hưởng tới độ chính xác màu, nhưng không quá quan trọng, bởi yếu tố này của màn hình có thể sẽ mâu thuẫn với các nhà phát triển game: nhà phát triển khi làm game thường giả định rằng game thủ sẽ sử dụng một màn hình với dải màu hẹp. Kết quả là không có sự đồng bộ giữa phần cứng và game, và bạn không nhận được bất kì lợi ích nào từ thông số này. Bạn cũng có thể bỏ qua độ sáng màn hình, trừ khi có nhu cầu chơi game trong môi trường nhiều ánh sáng. Tuy nhiên ngay cả trong trường hợp này thì tốt hơn là bạn mua thêm một cái rèm che.
Thông số tiếp theo trên màn hình mà bạn cần đề ý chính là tỷ lệ làm tươi (refresh rate). Hầu hết màn hình có tỷ lệ làm tươi 60 Hz, nhưng cũng có model có fresh rate 120 Gz hay thậm chí 240 Hz. Nếu màn hình của bạn có tỷ lệ làm tươi 60 Hz, nhưng phần cứng của máy, card đồ họa có thể cho tỷ lệ khung hình cao hơn, điều đó đồng nghĩa với việc bạn đã phải hy sinh một chút ở độ mượt mà của hình ảnh. Thậm chí có thể bạn sẽ gặp phải hiện tượng rách hình (screen tearing). Vấn đề này có thể được giảm thiểu nếu bạn sử dụng card đồ họa có công nghệ V-Sync của Nvidia (yêu cầu game chỉ tạo tốc độ khung hình tối đa 60 fps).
Ngoài ra, các màn hình có tỷ lệ làm tươi cao cũng giúp khung hình xuất hiện nhanh hơn, giúp làm giảm 1 phần lag cho các lệnh nhập (input). Tổng kết lại, việc chọn mua các màn hình có tỷ lệ làm tươi cao tuy không phải là một điều "bắt buộc" nhưng đó sẽ là sự lựa chọn tốt hơn, đặc biệt là đối với các game thủ hay chơi game hành động. Cách mà các chuyển động được render cũng có vai trò quan trọng. Việc xử lý không tốt các đối tượng chuyển động nhanh có thể dẫn tới những lỗi như bóng ma: đối tượng sau khi di chuyển vẫn để lại phía sau một đường vạch khó coi.
Tạm kết
Có thể nói không có một model màn hình nào hoàn hảo từ đầu đến cuối cho việc chơi game. Bạn có thể phải hy sinh một yếu tố nào đó để đổi lấy một điểm mạnh khác. Một vài màn hình cho chất lượng hình ảnh cực tốt, một vài mẫu cho tỷ lệ làm tươi cao...Tuy nhiên cần khẳng định luôn là màn hình chất lượng cao luôn đi kèm với mức giá không hề rẻ. Tuy nhiên, thường thì các game thủ sẽ ưu tiên ở chất lượng hình ảnh, hơn là độ mượt mà của hình, bởi dù sau hình ảnh đẹp cũng dễ dàng nhận ra hơn. Tuy nhiên, nếu thích chơi các game hành động như Counter Strike hay Diablo 3, bạn nên cân nhắc ưu tiên màn hình có tỷ lệ làm tươi cao với những lợi ích như đã nói.