Đủ năng lực để phát triển
Ở lĩnh vực sản xuất game cài đặt vào máy tính (client) có vẻ như các công ty game của Việt Nam thực tế đã thất bại, sản phẩm duy nhất game client gây được chú ý đó chính là Thuận Thiên Kiếm của VNG, nhưng nó đã nhanh chóng được “khai tử” ngay sau đó. Còn ở lĩnh vực webgame, ngoài Khu Vườn Trên Mây cũng của VNG, các game khác cũng không thành công và không mang lại một ấn tượng nào.
|
Nhưng ở lĩnh vực game di động hoàn toàn khác hẳn, Việt Nam đã có những sản phẩm vươn ra tầm thế giới, nổi bật nhất là Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông, tiếp theo có School Cheater của Bưởi Studio, Ninja Revenge của DIVMOB hay trước đây là Rip Off của ColorBox và Pocket Army của Pine Entertainment… |
Ngoài ra còn có hàng loạt game di động khác tạo ra ấn tượng mạnh như Tem Phép Thuật do VTC Intecom phát hành trong nước, Freaking Math của Nguyễn Lương Bằng, Jump & Jump của M.D Studio hay Panda Jump, Zombie Age 2 cũng của DIVMOB và mới đây nhất là Huyền Thoại CS của Joy Entertainment…
|
Những sản phẩm game di động do Việt Nam phát triển ở trên được đánh giá rất cao, từ nội dung, gameplay và đồ hoạ, việc đánh giá này không chỉ ở trong nước mà ở cả tầm quốc tế. Chất lượng các sản phẩm rất tốt, ý tưởng sáng tạo và đặc biệt đều được phát triển trong thời gian rất ngắn. |
Chính những điều trên đã mở ra hi vọng cho sự phát triển của ngành sản xuất game di động tại Việt Nam, nó cho thấy chúng ta có lực lượng đủ năng lực để phát triển game ở lĩnh vực này và trình độ không thua kém so với các nước khác trên thế giới.
Cần nhiều yếu tố để phát triển
Có một điều thực tế là mặc dù đã tạo được tiếng vang ra quốc tế, nhưng việc phát triển game di động tại Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất phát từ niềm đam mê là chính. Các sản phẩm làm ra đều được thực hiện một cách tự phát, không có một kế hoạch cụ thể nào, đặc biệt là chiến lược phát triển nội dung và kinh doanh…
Ông Hoàng Nhật Minh, Phó trưởng đại diện của VTC Intecom tại TP.HCM sau khi tiếp xúc với nhiều với các Studio và những người làm game di động ở Việt Nam cũng nhận định, bên cạnh một số công ty chú tâm làm nghiêm túc, rất nhiều các lập trình viên trong nước làm game di động vẫn do đam mê là chính. Chính vì vậy, khi muốn phát hành một game ra thị trường phải sửa lại rất nhiều, từ nội dung, đồ hoạ, đến các hình thức kinh doanh…Chính vì thế, theo ông Minh, để phát triển một cách bài bản, các Studio cũng như các lập trình game di động cần phải được quan tâm, hướng dẫn và định hướng từ nội dung game, gameplay, đến việc kinh doanh sau khi phát hành game ra thị trường…
Có một điều thực tế nữa mà các chuyên gia trong ngành tỏ ra e ngại, đó là chính sách quản lý game cho di động, đặc biệt là những game do Việt Nam sản xuất vẫn chưa rõ ràng. Những phương án quản lý đưa ra còn quá “cứng nhắc”, trong khi đây là lĩnh vực chúng ta có cơ hội để phát triển, đặc biệt trong thời gian từ năm 2014 trở đi, được xem là năm của lĩnh vực di động. Theo các chuyên gia trong ngành cần có các chính sách ưu đãi, cũng như hình thức quản lý theo dạng “hậu kiểm” với các game di động do trong nước tự phát triển.
Theo họ, đối với những game được phát triển trong nước không nên bắt buộc phải làm thủ tục xin cấp phép, thay vào đó chỉ cần báo cáo về nội dung, thể loại game, đến cơ quan quản lý để cơ quan quản lý cho phép phát hành game, còn nếu nội dung game vi phạm lúc đó mới xử lý nặng, thậm chí là yêu cầu đóng cửa game. Những biện pháp quản lý quá chặt và “cứng nhắc” sẽ đem đến hệ luỵ xấu, như các studio hay các lập trình game sau khi hoàn thành sản phẩm chọn phát hành ở thị trường quốc tế, đưa game lên các kho ứng dụng lớn của nước ngoài…lúc đó rất khó để quản lý và thiệt hại về kinh tế cũng rất lớn.
Bên cạnh đó, những chính sách ưu đãi từ nhà nước cho lĩnh vực này cũng rất quan trọng, nó tạo điều kiện thúc đẩy cho các studio game trong nước, cũng như các lập trình viên yên tâm hơn trong việc làm game của mình, đồng thời sẽ cho ra đời nhiều sản phẩm hơn.